Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

chuyện kể về mẹ IV chuyện kể về mẹ VI

TRUYỆN KỂ VỀ MẸ - TẬP 2                       (Trang 5)

41. Lòng Tin Được Thưởng

 

Một Giám Mục Tô Cách Lan một hôm đi dạo chơi dọc triền núi thuộc giáo phận. Gặp một căn lều nghèo khó, ngài vào thăm, chủ nhà không nhận ra ngài là Giám Mục (vì ngài mặc thường phục, mang áo mưa bên ngoài) nên tiếp đón như một khách thường, sau câu chuyện trao đổi, khách nhận ra chủ có một nỗi buồn u uẩn khách đánh bạo hỏi chủ:

 

-Thú thật với bà, tôi cảm thấy như bà có nỗi buồn u uẩn?

 

-Mẹ gia đình liền xưng thú: Vâng, chúng tôi buồn lắm vì nhà tôi nằm liệt giường ở phòng bên cạnh, đã già sắp chết, nhưng cực lòng cho chúng tôi hơn hết là mặc dầu sắp chết, ông cứ khăng khăng một mực “tôi chưa chết”, và từ chối dọn mình.

 

-Tôi có được vô thăm ông nhà không?

 

-Được mời ông vô.

 

Trông thấy bệnh nhân già còm, tiều tụy, sắp đến cửa mộ, khách khuyên ông dọn mình chết.

 

Nghe câu “sắp chết” bệnh nhân dõng dạc trả lời: Tôi chưa chết!

 

Ông làm cách nào lay chuuyển được lòng ông lão, khách tâm sự hỏi dò bệnh nhân: Lý do mà ông tin chắc mình chưa chết?

 

Bệnh nhân gắng gượng hỏi lại khách: “mà ông có đạo công giáo không?” Sau khi biết rõ bệnh nhân hỏi chân thành, khách thú nhận ngay: tôi là người Công giáo. Bấy giờ, mắt đẫm lệ, bệnh nhân xưng thú:

 

Từ ngày rước lễ lần đầu, tôi đã đêm ngày kêu xin cùng Đức Mẹ đừng để tôi chết khi chưa gặp linh mục bên cạnh giường và ông nghĩ coi, chẳng lẽ Đức Mẹ không nghe lời tôi cầu xin; từ đó đến nay tôi hằng cầu xin và hằng tin cậy. Tôi tin rằng điều đó rất có thể đối với Đức Mẹ. Nên tôi tin chắc tôi chưa chết bao lâu chưa gặp được linh mục, mặc dầu gia đình tôi ở giữa rừng hoang vắng này.

 

-Hỡi con! Đức Giám Mục đáp lại, lời cầu xin của con đã được Đức Mẹ nhận. Kẻ đang nói với con đây chẳng những là linh mục mà còn là Giám Mục sở tại nữa. Chính Đức Mẹ dẫn cha đến đây, qua khu rừng hoang vắng này để nhận hơi thở cuối cùng của con. Nói rồi cha cởi chiếc măng tô ra để lộ chiếc thánh giá vàng cho ông lão xem thấy. Vừa xem thấy rõ Đức Giám Mục ông lão liền kêu lên: “Ôi lạy Mẹ nhân lành, con cám ơn Mẹ.” Rồi ông quay về Đức Giám Mục xin xưng tội.

 

-Thưa Đức Cha, xin Đức Cha giải tội cho con. Bây giờ con mới tin thật, con sắp chết.

 

-Ít hôm sau ông đã chết lành, đầu vui sướng hy vọng.

 

42. Kinh Hạy Nhớ

 

Một thanh niên bê tha tội lỗi, muốn chừa mà không sao chừa được, nghe cha P. Zucchi đến giảng đại phúc, chàng từ Rôma tìm đến cha tỏ bây tâm sự xin cha cho một phương dược. Cha dạy chàng phải trông cậy vào Đức Mẹ là Đấng hay cứu giúp phần rỗi cho mọi người và để tỏ ra mình là con riêng của Đức Mẹ, đáng Đức Mẹ phù hộ, mỗi ngày khi vừa thức dậy chàng phải đọc một kinh Kính Mừng kính ơn vô nhiễm tội của Đức Mẹ và đọc kinh Hãy Nhớ, để xin Mẹ ban ơn cứu giúp thoát ly dò lưới Satan. Tối trước khi ngủ cũng đọc như vậy. Và mỗi lần bị ma quỉ cám dỗ, bất kỳ tối, sáng, trưa, đêm chàng hãy đọc kinh Hãy Nhớ.

 

Chàng tuân theo lời cha Zucchi dạy bảo.

 

Bốn năm sau tình cờ cha Zucchi gặp lại chàng, nghe chàng xưng tội cha coi như một vị thánh, bỡ ngỡ vì tâm hồn sạch tội của chàng, cha hỏi cớ sự. Chàng mới thú mình là tội nhân đã xưng tội với cha bốn năm về trước và đã tuân hành các điều cha dạy bảo. Nhờ kinh Kính Mừng và kinh Hãy Nhớ mà chàng đọc sáng tối không bao giờ bỏ, Đức Mẹ đã giúp chàng cắt đứt tội lỗi, trở nên công chính như ngày nay.

 

 

 

43. Phó Con Cho Mẹ

 

Trong làng Sarthe (nước Pháp) có một bác canh điền can đảm nhưng đơn độc, có đứa con hư, hầu như lần nào bắt gặp tụi trẻ con ăn cắp vật đều thấy có mặt con bác trong đó. Nhưng bác vẫn không la mắng hoặc đe dọa. Một hôm đầy rầu rĩ, bác dẫn con đến đền thờ kính Đức Mẹ. Hai cha con tiến sát bàn thờ Mẹ, quì xuống, trịnh trọng và đầy tin tưởng, bác đọc to lời cầu xin:

 

“Lạy Đức Mẹ, con đã bất lực về đứa con của con rồi, con xin trao phó cho Mẹ.”

 

Đức Mẹ đã nhận lời trao phó và tin tưởng của bác canh điền. Lớn lên cậu được các cha thuộc dòng Trắng (Pères Oblats de Marie) nhận vào Đệ tử Viện. Sau cậu trở nên vị Thừa sai miền Bắc cực và trở thành Giám mục Grouard ở xứ Alaska, một thành phố được thiết lập nên do ngài và đã lấy tên ngài để đời đời ghi nhớ ơn ngài.

 

Ngài đã trung thành mến yêu Đức Mẹ, và đã lan tỏa lòng sùng mến ấy cho mọi người chung quanh. Ngài đã chết thánh thiện sau một đời sống anh hùng và gương mẫu, thọ 90 tuổi.

 

Những gì đã trao phó cho Đức Mẹ, Mẹ đã triệt để giữ gìn.

 

44. Ăn Cắp Ngón Tay

 

Năm 1903, tại giáo xứ Vias thuộc nước Pháp, có một tượng Đức Mẹ đặt ngay trong tiền đường một nhà của giáo dân. Đêm 13 rạng 14 tháng Năm năm ấy, có tên Antoine Torres nghịch đạp làm đổ tượng xuống đất, vỡ tan! Sáng hôm sau chủ nhà là ông Estournel và cậu con là chủng sinh tìm kiếm các mảnh vỡ để gắn lại, nhưng không sao tìm thấy ngón tay út của bàn tay phải Đức Mẹ.

 

Giáo dân xúc động vì tội phạm thượng Thánh tượng, đã đem hoa nến đến chỗ đặt tượng để đền tạ. Và cũng ngày hôm sau, Thánh tượng đã được đặt tại chỗ cũ nhưng cụt ngón tay.

 

Đến ngày giáp năm Thánh tượng bị xúc phạm, thì Torres, đứa ở của một chủ trại bên cạnh mới tiết lộ. Chính y đã đập vỡ tượng và giấu ngón tay út, hắn còn phạm thượng thách đố: “Chính tao đập vỡ và giấu ngón tay mà chả thấy sao cả, thế mà có kẻ nát rằng sẽ bị Chúa phạt”.

 

Nhưng chiều 13 tháng 5 năm 1904, hắn phải điều khiển một xe ngựa vào làng. Nhưng đêm đến, người ta chỉ thấy ngựa và xe mà không thấy Torres đâu cả. Sáng sớm hôm sau, đổ đi tìm kiếm, người ta đã bắt gặp hắn nằm bất động trên đường đi vì bị xe hơi cán, hắn chết trước khi bác sĩ tới. Nhưng điểm đặc biệt hơn là ngón tay út của bàn tay phải hắn bị xe nghiền mất không thấy đâu. Thật là một hình phạt do tội phạm thánh mà ra.

 

45. Giữ Lời Hứa

 

Năm 1140, Mathilde, Hoàng hậu nước Anh, trong một trận chiến, đã phải theo con trai mình là Henry II vượt biển Manche. Trời nổi cơn giông tố, tàu tròng trành ghê rợn như muốn lật nhào xuống biển cả. Mọi người hầu như thất vọng. Các lãnh chúa nước Anh đi tháp tùng Công chúa kêu cứu rối rít hết thánh nọ thánh kia, đến Thiên Chúa. Công chúa Mathilde đứng trên boong tầu mặt mày xanh métnhưng rất vững tâm và bình tĩnh, Công chúa ra lệnh cho thủy thủ đoàn: “Hãy cam đảm lên, Đức Maria là Người Mẹ đầy quyển phép và tình thương, Mẹ chắc chắn sẽ cứu giúp chúng ta. Hãy chọn một người quan sát trên boong tàu, hễ trông thấy đất liền thì bảo cho tôi biết để tôi hát lên một bài ca tụng Đức Mẹ. Và tôi hứa sẽ xây một thánh đường trên bãi biển chỗ chúng ta sẽ cập bến”

 

Công chúa vừa dứt lời đoan hứa trên, người quan sát trên boong tàu đã hô ta: “Xin công chúa hát to lên, kìa đã thấy đất”.

 

Đầu trần, tay vòng trước ngực, mắt hướng về trời, Công chúa Mathilde hát một bài ca ngợi Đức Mẹ hết sức sốt sắng. Chẳng khỏi mấy chốc, tàu nhờ ngôi sao Bắc đẩu Maria hướng dẫn đã cập bến an toàn. Vừa bước lên bờ Công chúa đã vội vã cắm mốc để xây đền thờ Đức Mẹ. Đền thờ này nằm giữa khoảng Cherbourg, mang tên là Đức Mẹ của lời hứa Notre Dame de Voeux. Và sau bao cuộc thăng trầm, trải qua bao nhiều thế kỷ, đền thờ đó đã được xây cất lại năm 1850.

 

46. Công Lý Và Tình Thương

 

Trong thời cách mạng Pháp, tại làng công giáo dân chúng tôn sùng một pho tượng Đức Mẹ, đặt nơi tôn nghiệm, bọn cách mạng muốn phá hủy pho tượng đó, chúng hùa nhau chế nhạo khinh chê việc sùng kính của giáo dân. Một đứa trong bọn, để tỏ ra là mình anh hùng hảo hán đã đề nghị vứt tượng xuống giếng sâu. Mọi người đứng đắn trong làng ghê tởm chuyện phạm thánh đó. Nhưng chúng vẫn thực hiện ý định đó. Tên anh hùng hảo hán bắt tay vào việc ngay, hăng hái hơn hết mọi người, chúng đem thánh tượng ném xuống giếng trong khi reo hò và buông lời phạm thượng. Nhưng vui chẳng được lâu, tên đầu xỏ đã bị phạt mù ngay lập tức. Hắn phải nhớ chúng bạn dắt về nhà. Dầu vậy, hắn vẫn không tỏ dấu ăn năn, mà còn chống đạo một cách hăng say nữa.

 

Mười năm sau, hòa bình trở lại xóm làng, tôn giáo được bành trướng, nhưng tượng Đức Mẹ vẫn còn nằm sâu dưới đáy giếng. Mọi người đau lòng. Một hôm cha sở lên tòa giảng hô hào: “Anh chị em thân mến chúng ta cần phải đền tạ Đức Mẹ và phải đem thánh tượng Đức Mẹ lên khỏi giếng”

 

Mọi người đồng ý. Một ngày đã được chọn, dân chúng tụ họp đông đủ quanh giếng, chỉ chưa thấy cha sở đến, bỗng từ xa tiến lại, cha sở tay dắt anh mù, kẻ chủ mưu ném tượng ngày xưa tiến lại. Dân chúng huyên náo la ó! Cha sở làm hiệu cho dân chúng im lặng rồi lên tiếng: “Anh chị em thân mến, người mù hôm nay đến với chúng ta đầy lòng thống hối, muốn xin tôi tha thứ tội tầy đình anh đã phạm xưa. Anh đã tha thiết xin tôi tha và xin anh chị em tha. Anh ta cũng xin được chung tay với ta để kéo tượng Mẹ. Chắc chắn Chúa và Mẹ đã tha thứ cho anh ta, anh đã nhận tội mình và hình phạt vì tội”. Dứt lời cha, người mù cũng giơ cao tay, mắt tràn lệ nài xin dân chúng tha thứ và quên đi mọi tội lỗi của y. Lương tâm y hằng cắn rứt từ 10 năm nay. Dân chúng đồng thanh hô: “Chúng tôi quên hết, quên tất cả. Chúng tôi sẵn lòng tha thứ hết”.

 

Anh mù tiến lại bờ giếng, người ta đưa sợi dây kéo cho anh cầm, có người xuống giếng buộc thánh tượng. Lạ chưa, đã mười năm dưới giếng mà thánh tượng còn nguyên, không hư bể nát. Buộc chặt rồi, giáo dân bắt đầu hát kinh cầu Đức Mẹ, vừa hát vừa kéo tượng Đức Mẹ lên. Thánh tượng từ đáy giếng sâu lên khỏi bờ giếng an toàn. Khi giáo dân vừa thấy tượng tiếng reo hò ầm ỹ vang lên. Bỗng có một tiếng kêu lớn làm mọi người im lặng. Tôi đã khỏi mù rồi! Đó là tiếng anh chàng phạm thánh kêu lên trong lúc hai gối phục xuống đất, hai tay giơ cao lên trời, lòng đầy sốt sắng và vui sướng.

 

Mọi người bỡ ngỡ vui sướng hân hoan tràn ngập cõi lòng. Anh mù theo đoàn người rước tượng Mẹ đến nơi tôn kính cũ và còn sống lâu năm để ca tụng lòng thương vô biên của Đức Mẹ.

 

47. Rochefort

 

Henri de Rochefort (1830-1913) một nhà châm biếm nổi danh thuộc hậu bán thế kỷ 19, trong nhiều lần tranh cãi với Paul de Cassagnac một nhà báo thới đó, đã đi đến quyết định hai bên đấu súng với nhau, Rochefort bắn trước tiên nhưng không trúng Cassagnac. Đến lượt Cassagnac nảy cò, đạn nổ, Rochefort té xuống, đạn trúng bụng. Mọi người tưởng anh ta sẽ chết ngay. Bác sĩ đến khám nghiệm thấy bầm tím ở vết thương, nhưng Rochefort chưa chết. Đạn trúng ngay chiếc mề đay (huy chương) Đức Mẹ bằng vải mà một người bạn nào đó của Rochefort đã kín đáo khâu vào giây lưng của ông, nên ông được cứu khỏi chết. Thật ra Rochefort ít khi cầu khẩn với Đức Mẹ nhưng người ta đã cầu xin cùng Đức Mẹ cho ông, hơn nữa cũng nhờ được câu thơ mà hồi còn niên thiếu ông đã thường hát lên để ca tụng Đức Mẹ Vô Nhiễm, câu thơ đó của một thi sĩ vô danh bắt đầu bằng câu: “Mẹ là Đấng mà không lời nguyền rủa nào dám xâm phạm”

 

39. Thánh Vianney

 

Trong một năm nọ, Cha Thánh đã cho vay tất cả kho dự trữ lương thực của nhà Chúa Quan Phòng, nơi Cha nuôi các em cô nhi. Vì thấy không cần tiền bạc cho lắm, nên Cha cho người vay được trả góp và rồi băn khoăn không biết đến ngày nào hết hạn phải trả, họ có trả đủ số cho không, mà mình chẳng còn nguồn lợi nào khác nữa. Chẳng biết làm cách nào hơn, Cha đặt hết tin tưởng vào Đức Mẹ rồi cầm tràng chuỗi, ra khỏi làng vừa đi vừa lần hạt, đến thăm các bệnh nhân.

 

Bỗng Cha gặp một bà khách bên lề đường dâng cho Cha một món tiền với một câu vắn tắt: “Đây là của người ta nhờ con đem đến trả cho Cha”. Cha hỏi lại: “Tiền xin lễ hả?” “Không”, bà đáp lại, “Cha muốn xử dụng thế nào tùy ý Cha”. Cha cầm số tiền cám ơn bà khách, rồi tiếp tục đi thăm bệnh nhân. Tận thâm tâm Cha hết lòng cám ơn Đức Mẹ, vì biết rõ kẻ vô danh cho tiền đó chính là Đức Mẹ, Hiền Mẫu của Ngài.